Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến được đặc trưng bởi sự ngưng thở trong khi ngủ do các cơ vùng hầu họng thư giãn quá mức gây tắc một phần hoặc toàn bộ đường thở. Tình trạng ngưng thở thường kéo dài hơn 10 giây và xảy ra lặp đi lặp lại liên tục suốt đêm. Một người mắc ngưng thở khi ngủ mức độ nặng đến nghiêm trọng có thể bị ngừng thở cả trăm lần mỗi đêm.
Mỗi lần ngưng thở sẽ gây ra sự thay đổi mạnh về nồng độ oxy máu, nhịp tim và huyết áp đồng thời làm gián đoạn giấc ngủ. Theo thời gian nếu không được điều trị, ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần, tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe khác, bào mòn sức khỏe người bệnh một cách âm thầm.
Dưới đây là những vấn đề sức khỏe có liên quan đến bệnh ngưng thở khi ngủ:
Tăng huyết áp
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng phát hiện ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở những bệnh nhân mắc tăng huyết áp cao hơn so với dân số chung và nhiều bệnh nhân mắc OSA sau đó có thể mắc tăng huyết áp. OSA và tăng huyết áp là những bệnh có liên quan với nhau và khoảng 75% bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị có OSA tiềm ẩn.
Mối liên hệ này có thể giải thích là do OSA và tăng huyết áp có nhiều yếu tố chung trong sinh lý bệnh như giới tính, béo phì, lối sống không lành mạnh, chất lượng giấc ngủ kém,…
Các cơn ngưng thở trong OSA dẫn đến tăng huyết áp, điều này dẫn đến những bệnh nhân mắc OSA có nguy cơ cao gặp các vấn đề về tim mạch và mạch máu não.
Bệnh tim
Trong lúc ngủ, mỗi 1 lần ngưng thở xảy ra thì cơ thể phải đối mặt với 1 lần giảm oxy máu. Bệnh nhân mắc OSA có thể bị ngưng thở cả trăm lần trong đêm.
Những đợt thiếu oxy/ngưng thở này dẫn đến giảm lượng oxy có sẵn trong các mô và mạch máu của cơ thể. Lượng oxy máu giảm gây ra tình trạng thiếu oxy ở mô, đây là yếu tố chính gây ra chứng xơ vữa động mạch, yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch.
Sự phối hợp của các cơ chế trên khiến cơ tim luôn trong trạng thái căng thẳng, lâu dần cơ tim suy giảm khả năng co bóp cuối cùng tiến triển thành suy tim.
Hơn nữa, ở những bệnh nhân đã bị suy tim, khi OSA không được điều trị, bệnh diễn tiến nặng hơn cuối cùng là tử vong sớm.
Đột quỵ
OSA là biểu hiện thường gặp ở những bệnh nhân đột quỵ và nó cũng là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với tất cả bệnh nhân đột quỵ.
Trong các đợt ngừng thở/giảm oxy máu OSA bắt đầu quá trình viêm và có một loạt các dấu hiệu viêm như IL, 1, IL 6, TNF α và interferon γ. Những dấu hiệu viêm này làm tổn thương lớp tế bào nội mô của mạch máu và làm tăng sự kết tập tiểu cầu ở bệnh nhân OSA có thể gây ra bệnh tim mạch và đột quỵ.
OSA ngày càng phổ biến nên tất cả bệnh nhân đột quỵ cần được sàng lọc OSA tại thời điểm phát hiện đột quỵ bằng phương pháp đo đa ký giấc ngủ.
Một phần ba số ca đột quỵ là hậu quả của tiền sử đột quỵ trước đó của bệnh nhân. OSA ở bệnh nhân đột quỵ, nếu không được điều trị, có thể dẫn đến đột quỵ tái phát; do đó, việc điều trị OSA là vô cùng quan trọng.
Sử dụng CPAP để điều trị OSA tiềm ẩn ở bệnh nhân đột quỵ có nhiều tác dụng có lợi hơn so với những bệnh nhân không được điều trị hoặc không tuân thủ điều trị.
Tổn thương não
Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) đi kèm với những thay đổi về cấu trúc của não, được thể hiện bằng kết quả chẩn đoán hình ảnh hệ thần kinh.
Khi cơ thể trong tình trạng thiếu oxy không liên tục sẽ dẫn đến các phản ứng viêm, với những bệnh nhân OSA, những người đêm nào cũng trong tình trạng thiếu oxy máu thì phản ứng viêm càng mạnh mẽ hơn. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng sự thay đổi chất chuyển hóa vùng đồi thị phù hợp với việc các tế bào trong cấu trúc này đang ở trạng thái viêm. Những thay đổi này có thể góp phần gây ra rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương trong OSA, bao gồm các bệnh đi kèm về tâm lý và sinh lý. Tuy nhiên, bản chất của việc não bị thay đổi như thế nào trong OSA vẫn chưa rõ ràng.
Trầm cảm
Các triệu chứng phổ biến nhất của OSA và trầm cảm là mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ. Cả hai vấn đề này có thể ngụy trang lẫn nhau vì các triệu chứng tương tự nhau. Bệnh nhân mắc OSA có tỷ lệ trầm cảm cao hơn, do đó khả năng tập trung và tỉnh táo kém trong ngày, có thể dẫn đến tai nạn giao thông và tai nạn lao động, suy giảm sức khỏe tâm lý xã hội và khả năng phán đoán.
Bệnh tiểu đường
Một số nghiên cứu đánh giá mối liên hệ giữa bệnh đái tháo đường týp 2 và OSA cho kết luận rằng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở bệnh nhân mắc OSA cao gấp 4 lần so với những người không mắc OSA.
Các cơ chế liên quan đến tình trạng kháng insulin và tiểu đường ở bệnh nhân OSA đã được nghiên cứu rộng rãi. Cơ chế đó bao gồm tình trạng thiếu oxy gây ra kích thích giao cảm làm tăng quá trình tạo glucose ở gan và giảm sự hấp thu glucose ở cơ xương, dẫn đến tăng đường huyết và rối loạn chức năng trao đổi chất, stress oxy hóa và viêm hệ thống, tất cả đều làm giảm độ nhạy insulin và làm giảm chuyển hóa glucose.
Hơn nữa, những bệnh nhân mắc OSA nặng có mức HbA1c cao hơn so với bệnh nhân mắc bệnh nhẹ đến trung bình, do đó việc kiểm soát mức đường huyết ở những bệnh nhân mắc OSA càng nặng là rất khó khăn.
Béo phì
Béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây ngưng thở khi ngủ. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể thúc đẩy tăng cân. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ, làm giảm năng lượng ban ngày và hoạt động thể chất. Nó cũng có thể làm gián đoạn quá trình trao đổi chất. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể làm thay đổi mức độ hormone điều chỉnh sự thèm ăn và điều này có thể khiến bệnh nhân ăn nhiều hơn.
Ngưng thở khi ngủ tăng tỷ lệ tử vong
Những người mắc OSA có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều so với những người không mắc bệnh. Nguy cơ này càng cao hơn đối với những người mắc OSA nghiêm trọng hơn. Nguy cơ tử vong cũng tăng lên khi chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị.
Đừng quá lo lắng khi bạn thở khi ngủ, bởi vì nó có thể được điều trị với tỷ lệ thành công cao. Nhiều nghiên cứu thấy rằng khi điều trị ngưng thở khi ngủ bằng liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) có thể làm giảm nhiều nguy cơ trong số 8 nguy cơ sức khỏe trên đây.
Bạn có thể đánh giá nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ trực tiếp tại đây.
SleepFi