Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là một rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ, là tình trạng đường hô hấp trên bị tắc nghẽn trong khi ngủ, dẫn đến giảm hoặc ngừng thở trong khoảng thời gian ngắn và lặp lại nhiều lần trong đêm.
Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, bao gồm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường típ 2 và trong số đó có đột quỵ.
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não xảy ra khi máu lên một vùng não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Biết rõ được yếu tố nguy cơ là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của việc phòng ngừa đột quỵ.
Chứng ngưng thở khi ngủ có làm tăng nguy cơ đột quỵ không?
Có nhiều tình trạng sức khỏe phổ biến có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, bao gồm cả chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Là dạng ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất, OSA làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ, xảy ra khi mạch máu đưa máu lên não bị tắc nghẽn.
Ngoài việc làm tăng nguy cơ đột quỵ ở một người, OSA có thể làm gián đoạn giấc ngủ và gây ra các triệu chứng ban ngày như buồn ngủ quá mức, đau đầu vào buổi sáng và thay đổi tâm trạng.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng OSA là một yếu tố nguy cơ độc lập gây đột quỵ. Điều này có nghĩa là những người mắc OSA có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn, ngay cả khi không có các yếu tố nguy cơ khác. Tuy nhiên, không phải ai mắc OSA cũng sẽ bị đột quỵ.
Các chuyên gia đã đưa ra một số giải thích cho việc tại sao những người mắc OSA lại có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn, cụ thể là:
- Giảm lượng máu đến não: Đường thở bị xẹp lặp đi lặp lại trong khi ngủ tạo ra áp suất không khí âm trong lồng ngực, có thể làm gián đoạn lượng máu đến não.
- Thiếu oxy máu: OSA làm giảm độ bão hòa oxy, nghĩa là máu không mang đủ oxy để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Khi điều này xảy ra nhiều lần, nó có thể gây ra những thay đổi bất thường ở các mạch máu trong não.
- Ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ đột quỵ khác: OSA làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác bao gồm bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường và rối loạn nhịp tim. Những yếu tố nguy cơ này cùng với hậu quả khác của OSA có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Nguy cơ bị đột quỵ tăng theo mức độ nghiêm trọng của OSA. Mức độ nghiêm trọng của OSA được xác định dựa trên triệu chứng và tổng số lần ngừng thở, giảm thở trong 01 giờ ngủ (Apnea-Hypopnea Index: AHI):
- Nhẹ: khi AHI từ 5-14 lần/giờ. Những người mắc OSA nhẹ có thể không nhận thấy các triệu chứng ban ngày hoặc có thể chỉ có các triệu chứng nhẹ không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
- Trung bình: khi AHI từ 15-30 lần/giờ. Các triệu chứng ban ngày thường dễ nhận thấy và một người có thể phải cố gắng tỉnh táo bằng cách ngủ trưa thường xuyên hoặc tránh lái xe đường dài.
- Nặng: khi AHI > 30 lần/giờ. OSA nặng thường gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và có nguy cơ cao gây ra các biến chứng sức khỏe
Đột quỵ có làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ không?
Bị đột quỵ làm tăng nguy cơ mắc một số rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ, bao gồm chứng ngưng thở khi ngủ. Rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ thường gặp sau đột quỵ và có thể do chính cơn đột quỵ gây ra. Đột quỵ cũng có thể làm cho tình trạng ngưng thở khi ngủ từ trước của một người trở nên trầm trọng hơn.
Chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở người sau đột quỵ, thường phát triển trong vòng 24 giờ đầu. OSA là loại ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất phát triển sau đột quỵ. OSA xảy ra ở khoảng 70% số người bị đột quỵ so với 30% dân số nói chung. Việc điều trị OSA có thể cải thiện khả năng phục hồi của một người và giảm nguy cơ bị đột quỵ tái phát.
Đánh giá nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ
Triệu chứng phổ biến nhất của chứng ngưng thở khi ngủ là buồn ngủ ban ngày quá mức. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Giấc ngủ kém chất lượng
- Ngủ ngáy
- Đau đầu, khô miệng buổi sáng
- Khó tập trung
- Cáu gắt, thay đổi tính tình
- Giảm ham muốn tình dục
Các triệu chứng ngưng thở khi ngủ có thể khác ở những người vừa bị đột quỵ.
Khi có một trong những triệu chứng này có thể đã mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Vì OSA là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ nên tất cả bệnh nhân đột quỵ nên được sàng lọc OSA bằng cách đo đa ký giấc ngủ.
Bạn có thể đánh giá nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ trực tiếp tại đây.
OSA ngày càng phổ biến ở bệnh nhân đột quỵ. May mắn thay, chẩn đoán và điều trị chứng ngưng thở khi ngủ có thể giúp phục hồi sau đột quỵ và giảm nguy cơ biến chứng sức khỏe thêm.Liệu pháp CPAP đã được chứng minh là có tác dụng hữu ích trong việc cải thiện các triệu chứng thần kinh ở bệnh nhân đột quỵ.
SleepFi