Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA – Obstructive Sleep Apnea) đặc trưng bởi tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp trên lặp đi lặp lại trong khi ngủ dẫn đến thiếu oxy máu từng đợt, giấc ngủ bị gián đoạn và gây buồn ngủ ban ngày quá mức. OSA được coi là gánh nặng lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong cao.
Theo ước tính, ở Việt Nam có hơn 4 triệu người trên 30 tuổi mắc OSA và trong đó, khoảng 2 triệu người mắc OSA mức độ trung bình đến nặng. Tỷ lệ mắc OSA ở người trên 18 tuổi là 8,5%.
Khoảng 34% nam giới và 17% nữ giới tuổi trung niên thỏa tiêu chuẩn chẩn đoán OSA. Bệnh nhân tăng huyết áp, suy tim, bệnh động mạch vành, tăng áp phổi, rung nhĩ và đột quỵ có tỷ lệ mắc OSA từ 40% đến 80%. Mặc dù tỷ lệ bệnh nhân có bệnh tim mạch mắc OSA cao nhưng thường không được chẩn đoán và điều trị đúng trong quản lý điều trị bệnh tim mạch.
OSA ảnh hưởng như thế nào đối với tim mạch?
Trong khi ngủ, nếu sự kiện ngưng thở hoặc giảm thở xảy ra, nồng độ oxy máu sẽ bắt đầu giảm dần dẫn đến lượng oxy đến tim, cơ bắp và các mô khác trong cơ thể cũng giảm theo. Về lâu dài, tình trạng thiếu oxy máu từng đợt sẽ gián tiếp làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề như đau tim, đột quỵ và bệnh tim mạch.
Thiếu oxy máu từng đợt kích thích hệ thần kinh tự chủ, tăng sản xuất chất gây viêm và tăng stress oxy hóa có khả năng gây tổn thương tế bào cơ tim và gây co mạch vành, mạch máu chính nuôi tim.
Ngoài các cơ chế bệnh kể trên, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn còn gây rối loạn nhịp tim thông qua cơ chế tạo ra áp lực âm trong lồng ngực khi cố gắng thở lại sau mỗi chu kỳ ngưng thở. Điều này gián tiếp làm tăng áp lực trong các động mạch phổi và tim.
Khi áp lực máu tăng lên và giảm xuống trong những giai đoạn ngưng thở và bắt đầu thở lại. Trong giai đoạn đầu, cơ thể còn cơ chế “thích nghi” với những thay đổi áp lực đột ngột nhưng về lâu dài chính sự “thích nghi” này gây áp lực quá mức lên thành động mạch và dẫn đến tăng huyết áp.
Sự phối hợp của các cơ chế trên khiến cơ tim luôn trong trạng thái căng thẳng và quá tải, lâu dần cơ tim suy giảm khả năng co bóp cuối cùng tiến triển thành suy tim.
Ngoài ra, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và bệnh tim mạch có chung một số yếu tố nguy cơ, bao gồm tuổi cao, lối sống ít vận động và béo phì, điều này giúp giải thích sự tồn tại đồng thời của cả hai bệnh lý ở cùng một cá nhân.
Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể giúp giảm rủi ro và tác động tiêu cực đối với sức khỏe tim mạch.
Tất cả bệnh nhân mắc OSA nên được chẩn đoán và xem xét điều trị. Điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bao gồm thay đổi hành vi và quản lý cân nặng, liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) cho những bệnh nhân mắc OSA trung bình – nặng, có thể xem xét dụng cụ răng hàm cho những người mắc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nhẹ đến trung bình hoặc phẫu thuật cho những bệnh nhân không dung nạp CPAP.
Nếu bạn hoặc ai đó có triệu chứng ngủ ngáy, buồn ngủ ban ngày quá mức, giấc ngủ bị gián đoạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bạn có thể đánh giá nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ trực tiếp tại đây.
Nguồn: Obstructive Sleep Apnea and Cardiovascular Disease: A Scientific Statement From the American Heart Association.
SleepFi