Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là vấn đề sức khỏe nổi bật trong hai thập kỷ qua.
Theo ước tính, ở Việt Nam có hơn 4 triệu người trên 30 tuổi mắc OSA và trong đó, khoảng 2 triệu người mắc OSA mức độ trung bình đến nặng. Tỷ lệ mắc OSA ở người trên 18 tuổi là 8,5%.
Ngoài triệu chứng phổ biến là ngủ ngáy, bệnh nhân OSA còn có triệu chứng buồn ngủ ban ngày quá mức. Triệu chứng này làm bệnh nhân mệt mỏi, giảm hoạt động nhận thức, giảm hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống, nghiêm trọng hơn là giảm khả năng chú ý và tập trung, là nguyên nhân gây tai nạn giao thông và tai nạn nghề nghiệp.
OSA là tình trạng tắc nghẽn đường thở trên lặp đi lặp lại xảy ra trong khi ngủ, dẫn đến gián đoạn một phần hoặc toàn bộ luồng khí đến phổi dẫn đến các biến cố hô hấp gồm ngưng thở và/hoặc giảm thở, giảm O2 và tăng CO2 trong máu, vi thức giấc và gián đoạn giấc ngủ.
OSA là yếu tố nguy cơ của các bệnh như tăng huyết áp, tăng áp phổi, bệnh mạch vành, suy tim và đột quỵ. OSA cũng làm tăng tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa, bệnh tiểu đường và nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), NAFLD là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra xơ gan.
Tỷ lệ rối loạn tâm thần gia tăng đáng kể ở các đối tượng có OSA. Nghiên cứu trước đây cho thấy hơn 110.000 đối tượng mắc OSA, có sự gia tăng đáng kể các rối loạn tâm thần bao gồm 21,8% trầm cảm, 16,7% lo âu, 11,9% rối loạn sau chấn thương, 5,1% loạn thần và 3,3% mắc chứng rối loạn lưỡng cực.
Tìm hiểu thêm thông tin sản phẩm hỗ trợ điều trị ngưng thở khi ngủ TẠI ĐÂY.
Ngưng thở khi ngủ được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ, bạn cần thực hiện một nghiên cứu về giấc ngủ qua đêm để theo dõi hơi thở, oxy máu, sóng điện não,,… từ đó đánh giá giấc ngủ và tình trạng ngưng thở của bạn trong đêm. Có hai xét nghiệm chính để phát hiện ngưng thở khi ngủ bao gồm:
Đo đa ký giấc ngủ
Là một nghiên cứu giấc ngủ chuyên sâu được thực hiện tại phòng nghiên cứu giấc ngủ (Sleep lab) hoặc tại nhà của bạn. Đây là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ngưng thở khi ngủ. Trong quá trình đo bạn sẽ được kỹ thuật viên giấc ngủ gắn thiết bị đo để theo dõi sóng điện não, điện tim, điện cơ, hơi thở, oxy máu,… Nghiên cứu này sẽ đánh giá chuyên sâu về giấc ngủ của bạn và các rối loạn giấc ngủ đi kèm đặc biệt là hội chứng ngưng thở khi ngủ
Đo đa ký hô hấp
Là một nghiên cứu giấc ngủ đơn giản được thực hiện tại nhà. Thiết bị này thường đo nhịp tim, mức oxy máu, luồng không khí và kiểu thở của bạn. Kết quả xét nghiệm này sẽ cho bạn biết sơ bộ về hiệu quả giấc ngủ và mức độ ngừng thở khi ngủ của bạn.
Ngưng thở khi ngủ được điều trị ra sao?
OSA là bệnh cần điều trị liên tục, lâu dài để kiểm soát các triệu chứng. Có nhiều cách tiếp cận điều trị, khi đó bệnh nhân và bác sĩ sẽ trao đổi và đưa ra lựa chọn phù hợp với mức độ và nguyên nhân của bệnh và mục tiêu đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Các phương pháp điều trị chính bao gồm:
- Thay đổi lối sống, kiểm soát các yếu tố nguy cơ
- Sử dụng thiết bị áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) hoặc dụng cụ miệng
- Phẫu thuật hoặc kích thích dây thần kinh
Hiện nay, liệu pháp CPAP là tiêu chuẩn vàng trong điều trị OSA và đã được chứng minh là cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm nguy cơ mắc các bệnh đồng mắc và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Hậu quả khi OSA không được chẩn đoán và điều trị là nghiêm trọng, đồng thời chi phí y tế và xã hội rất cao. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị cho những bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ là rất quan trọng.
Nếu bạn hoặc ai đó có triệu chứng ngủ ngáy, buồn ngủ ban ngày quá mức, giấc ngủ bị gián đoạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bạn có thể đánh giá nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ trực tiếp tại đây.
SleepFi