Việc điều trị ngưng thở khi ngủ có thể đòi hỏi các phương pháp và quy trình khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và nguyên nhân cụ thể.
Bài viết dưới đây tập trung phân tích các phương pháp điều trị hiệu quả hiện nay để cải thiện các triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA).
Các phương pháp điều trị ngưng thở khi ngủ chính bao gồm:
- Thay đổi lối sống, kiểm soát các yếu tố nguy cơ
- Sử dụng thiết bị áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) hoặc dụng cụ miệng
- Phẫu thuật hoặc kích thích dây thần kinh
Theo Hiệp hội Y học giấc ngủ Hoa Kỳ (ASSM), việc lựa chọn phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào mức độ của bệnh, thông qua chỉ số ngưng thở – giảm thở (AHI). OSA được chẩn đoán xác định khi AHI ≥ 5/giờ. Đối với những bệnh nhân mắc OSA nhẹ (AHI 5 -14/giờ) chỉ điều trị khi có triệu chứng( ngáy/ thở hổn hển/nghẹt thở, buồn ngủ ban ngày, mệt mỏi,…). Bệnh nhân mắc OSA trung bình trở lên (AHI ≥ 15) được coi là ngưỡng để điều trị khi không có triệu chứng.
OSA là bệnh cần điều trị liên tục, lâu dài để kiểm soát các triệu chứng. Có nhiều cách tiếp cận điều trị, khi đó bệnh nhân và bác sĩ sẽ trao đổi và đưa ra lựa chọn phù hợp với mức độ và nguyên nhân của bệnh và mục tiêu đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Việc điều trị OSA tập trung vào việc giảm số lần ngừng thở giảm thở. Hiệu quả điều trị được công nhận khi giải quyết được các triệu chứng với việc làm giảm AHI, thường là < 10/giờ và lý tưởng là < 5/giờ. Chính vì vậy mà việc điều trị luôn hướng vào cả yếu tố nguy cơ và nguyên nhân của chứng ngưng thở khi ngủ.
Liệu pháp điều trị trực tiếp ban đầu bao gồm việc sử dụng thiết bị áp lực đường thở dương liên tục(CPAP) hoặc dụng cụ miệng. Khi bệnh nhân không dung nạp các phương pháp trên, thì cân nhắc đến phẫu thuật hoặc kích thích dây thần kinh.
Thay đổi lối sống – Kiểm soát các yếu tố nguy cơ
Ngay khi bắt đầu điều trị nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như giảm lượng rượu uống, duy trì cân nặng khỏe mạnh và có thói quen đi ngủ tốt sẽ mang lại sự khác biệt lớn.
Uống rượu được cho là làm tăng nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ. Vì vậy, nên giảm lượng rượu uống, đặc biệt là vào buổi tối để phòng ngừa OSA.
Thừa cân có thể ảnh hưởng đến sự thông thoáng của đường thở. Khi trọng lượng cơ thể tăng lên, số lần ngừng thở khi ngủ cũng tăng theo. Việc tập thể dục để giảm cân làm giảm AHI và tăng sự tỉnh táo.
Có thể giảm các triệu chứng của OSA bằng cách vệ sinh giấc ngủ tốt và duy trì mỗi ngày.
Ngừng hút thuốc lá.
Thay đổi tư thế ngủ từ nằm ngửa sang nằm nghiêng để giảm các triệu chứng.
Áp lực đường thở dương liên tục (CPAP)
CPAP là lựa chọn điều trị tiêu chuẩn cho hầu hết bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và tình trạng bệnh có thể đảo ngược nhanh chóng bằng cách chuẩn độ áp lực CPAP thích hợp.
CPAP là một thiết bị đơn giản thổi liên tục không khí có áp suất dương vào đường hô hấp trên để ngăn nó xẹp xuống hoặc thu hẹp khi ngủ. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin Máy thở Resmed.
Thiết bị nâng hàm dưới (MAD)
MAD là thiết bị bệnh nhân cần đeo trong miệng khi ngủ. Đây là một thiết bị nha khoa và giống như tấm chắn nướu. MAD đưa hàm dưới về phía trước để giúp giữ cho đường hô hấp trên luôn thông thoáng. Dụng cụ này hiện được coi là phương pháp điều trị chính cho cả ngáy và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, nếu răng hoặc nướu không khỏe việc đeo MAD sẽ khiến vấn đề răng nướu trở nên trầm trọng hơn.
Phẫu thuật
Các thủ thuật ngoại khoa điều chỉnh các yếu tố giải phẫu, chẳng hạn như amidan phì đại và polyp mũi góp phần gây tắc nghẽn đường hô hấp trên nên được xem xét.
Các thủ thuật phẫu thuật bao gồm phẫu thuật chỉnh hình họng-màn hầu-lưỡi gà (UPPP) phẫu thuật cắt bỏ lưỡi đường giữa, đẩy xương móng và đẩy xương hàm dưới ra trước, phẫu thuật lưỡi to hoặc hàm nhỏ cũng là một lựa chọn. Tuy nhiên, khả năng tái phát OSA sau phẫu thuật vẫn còn cao.
Mở khí quản là biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho OSA nhưng được thực hiện như là phương án cuối cùng. Nó bỏ qua chỗ tắc nghẽn và được chỉ định cho những bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Kích thích đường thở trên
Kích thích đường thở trên bằng cách sử dụng một thiết bị cấy ghép để kích thích một nhánh của dây thần kinh hạ thiệt có thể kích hoạt các cơ thè lưỡi và các cơ khác giúp khai thông đường thở. Liệu pháp này hiện đang là xu hướng chủ đạo, thành công ở những bệnh nhân được lựa chọn mắc bệnh từ trung bình đến nặng. Nó được sử dụng chủ yếu ở những người không thể chịu đựng được liệu pháp CPAP và ở những người sử dụng cụ miệng không hiệu quả.
Bạn có thể đánh giá nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ trực tiếp tại đây.
SleepFi